Đêm xuống. Trăng lên. Gió hây hây thổi. Sương giăng giăng lưng chừng núi. Sương vấn vít trên những mái nhà tranh nằm ềm ệp bên bờ suối. Đám trai bản đã tụ tập đông đủ trên những phiến đá nâu xám, phẳng lỳ, to như chiếc chiếu nằm chềnh ễnh trên lối đi vào bản. Tiếng cười nói râm ran. ánh đèn pin quét loang loáng sáng cả một vạt rừng. Chờ khi trăng treo đỉnh đầu là họ toả vào khắp bản. Giờ này, những thiếu nữ người Dao đã vặn nhỏ đèn, buông màn, nằm trùm chăn phập phồng chờ đợi. Tiếng cạy cửa lạch cạch. Tiếng bàn chân rón rén. Tiếng gọi tên nhẹ như gió thoảng cùng hơi thở ấm nồng phả vào sau gáy. Tiếng thủ thỉ tâm tình. Lời yêu đương đường mật. Và nếu sơn nữ ưng bụng, chàng trai sẽ “ngủ thăm” rồi hẹn ngày mang bạc trắng hoa xoè cùng lợn béo rước nàng về. Biết bao cuộc tình đã đơm hoa kết trái từ cái phong tục diễm tình tự ngàn đời ấy ở bản Cỏi hun hút quanh năm mây phủ. Theo chân đám trai bản, tôi đã có một đêm “cạy cửa ngủ thăm” như thế.
Kỳ I: Đêm trăng diệu huyền, tôi làm kẻ học trò học gõ cửa… trái tim sơn nữ
Sau hai ngày đêm ăn sương nằm gió, vượt suối băng rừng theo chân đám trai bản đi cạy cửa ngủ thăm, tôi, tác giả phóng sự này, không gì mong muốn hơn là được “tận mục sở thị” cái phong tục diễm tình nguyên sơ ấy với tư cách là người trong cuộc. Bởi vậy, câu chuyện tôi kể dưới đây sẽ sinh động, chính xác đến từng chi tiết, từng sự việc, từng tên người. Tuy nhiên, vì lý do tế nhị, một vài nhân vật (xin lưu ý là chỉ một vài) đã trực tiếp gặp gỡ tác giả xin phép được thay họ đổi tên.
Không biết có phải do “nhân duyên” với cái bản người Dao heo hút, tận cùng xa xôi của tỉnh Phú Thọ ấy không mà hôm chúng tôi vượt mấy chục cây số đường rừng với những cú sóc hoa đom đóm mắt, những con dốc dựng trời để lên với Xuân Sơn cũng là hôm dân bản náo nức đổ đi xem Đoàn văn công lưu động của tỉnh về biểu diễn. Hồi chiều, nghe loa thông báo ồm ồm dội vào vách núi, thằng Thuỷ, thằng Cương, con trai ông thầy mo nổi tiếng Đặng Văn Hếng ở xóm Dù nhảy cẫng cả lên vì sướng. Đã 3 – 4 năm rồi, chúng nó chưa được xem mấy cô văn công má phấn môi son hát xoan hát ghẹo. Mắt thì lúng liếng, giọng hát thì ngọt ngào, tình tứ làm sao: “Em mời anh uống chén rượu quê hương, gửi bao vấn vương, vấn vương bao tơ lòng, để tình anh say, ớ mấy say tình say”. Nhưng còn một lý do nữa khiến thằng Cương sướng âm sướng ỉ. Nó ghé tai tôi thì thầm: “Tối nay, tha hồ mà ve gái. Toàn các em xinh như mộng từ khắp các bản đổ về. Anh có đi cùng bọn em không?”. Tôi gật đầu tắp lự.
Đúng hẹn, 8 giờ tối, tôi hổn hển chạy lên con dốc đầu bản Dù. Vừa đến cổng đã chạm chán thằng Thuỷ. Cậu đang tí tủm với mấy cô gái Dao. Thấy khách lạ, một cô vận áo phông đỏ, tóc tiết đuôi sam, mắt lóng lánh đen (sau này tôi mới biết cô tên là Luyến) vội buông lời tròng ghẹo: “Anh gì ơi! Sao đẹp giai thế?” rồi cả hội cười ré lên, chạy ào xuống núi. Thằng Thuỷ hai tay thọc túi quần, ngực ưỡn, mặt vênh vênh ra chiều tự đắc: “Mấy con bạn em anh trông có ngon không?”. Tôi bảo: “Ngon”. Nó cười: “Thế mà em coi như tép hết”. Nói đoạn, nó chạy vào nhà, lấy đèn pin soi đường cho tôi đi. Thằng Cương đã thất hẹn với tôi. Ăn cơm chiều xong, nó đã dáo dác trưng diện xuống tận bản Cỏi để đưa bạn gái đi xem văn công rồi. Thế mà lúc chiều, tiễn tôi ra cổng, nó cứ dặn đi dặn lại: “Anh nhớ đến đúng giờ đấy nhé. Em chờ”.
Sân khấu được dựng trên một khu đất cao, rộng, cạnh UBND xã, ngay dưới chân núi nhà thằng Cương. Cũng phông màn xanh đỏ, cũng đèn màu toé loe, cũng nhạc sống đệm non nỉ. Trăng đêm nay, mười hai, không vành vạnh tròn, vằng vặc sáng nhưng cũng đủ khoác lên núi rừng Xuân Sơn màu vàng mơ huyền diệu để thấy mây vẩn vơ bay, sương giăng ngập lối, mắt sóng sánh tình, bừng đỏ má em. Chả thế mà trai gái bản í ới rủ nhau đi xem đông như trảy hội.
Thằng Thuỷ khoác vai tôi len lỏi trong đám đông. Đèn pin trong tay nó quét loang loáng. Cứ chỗ nào có gái bản là nó sà đến. Tán tỉnh, cấu chí, buông vài lời tròng ghẹo rồi lại kéo tôi đi. Cứ sau mỗi lần tạt ngang tạt ngửa như thế, nó lại chép miệng tiếc hùi hụi: “Tìm mãi không thấy em Muộn, hoa khôi của bản Cỏi đâu. Hay là thằng nào lại nẫng mất rồi”. Tôi giật mình. Ban sáng, lúc mới gặp nó ở nhà, thấy cu cậu mặt mũi hiền khô, bẽn lẽn như con gái. Mẹ nó còn thở dài thườn thượt bảo: “Hai mốt tuổi rồi mà vẫn chưa biết đi cạy cửa ngủ thăm. Cứ thế này thì biết đến bao giờ mới lấy được vợ”. Thế mà bây giờ, giữa đám đông ngùn ngụt, nó như lột xác trở thành người khác. Cái miệng tán dẻo quẹo, con mắt liếc dọc liếc ngang, tay tranh thủ quờ quạng, mặt câng câng rất trai lơ, dáng đi khệnh khạng vừa tự tin, vừa hỗn hào… Trông nó y như thể một chú gà trống choai ngứa ngáy đập cánh ngửa cổ gáy chơi giữa đám gà mái hoa mơ mong kiếm được bạn tình.
Cô ca sĩ Hồng Hạnh, thướt tha trong chiếc áo dài màu tím, mở màn đêm trình diễn bằng bài “Mời rượu” của nhạc sĩ Ngô Minh Toán mang âm hưởng dân ca xoan: “Hội vui chúng em mời anh, mời anh uống chén rượu đào, cùng chung câu hát nghĩa tình, gửi bao thương nhớ, nhớ thương đầy vơi”. Cứ ngân hết một câu, cô lại mềm mại nâng cánh tay lượn vòng, miệng cười duyên, mắt lúng liếng đưa tình. Cánh trai bản đứng dưới luôn miệng xuýt xoa. Có cậu “phê” quá, nhét hai ngón tay vào miệng huýt gió inh ỏi. Đúng vào cái đoạn cao trào của bài hát, khi cô ca sĩ xinh như mộng giả bộ bẽn lẽn dặn dò: “Say tình say nghĩa í ơ…, say câu em hát dân ca, gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau…” thì tiếng máy nổ bỗng “Khặc. Khặc. Khặc…” như bị ai bóp nghẹt cổ rồi tắt lịm. ánh đèn sân khấu vụt tắt. Tiếng hát mượt mà cũng tắt.Tiếng khán giả ồ lên. ánh trăng tràn ngập.
Tôi đưa mắt tìm thằng Thuỷ. Bụp. Một viên sỏi đập vào vai đau nhói. Tôi quay phắt người. Chừng 5 – 6 cô gái đang ngồi úp mặt vào lưng nhau cười rúc rích. Tôi tiến lại gần. Chiếc áo đỏ hắt lên trong đêm trăng. Em Luyến!
Luyến năm nay vừa tròn 18 tuổi, đẹp ngời ngợi như ánh trăng rằm. Đôi cánh tay thon lẳn cứ nõn nà lên trên màu đỏ của chiếc áo phông cộc tay bó sát người. Em đã học xong lớp 9. Nhà ngay bên dưới nhà Thuỷ. Sau một hồi chuyện trò, hình như đã mên mến tôi, Luyến đỏ bừng má, thẹn thùng mời: “Anh có đi xem ti vi cùng bọn em không. Hôm nay thứ 6, truyền hình Hà Nội có phim đặc sắc cuối tuần hay lắm”. Tôi nhìn đồng hồ. Mới hơn 8 giờ. Máy nổ vẫn chưa sửa được. Chờ biết đến bao giờ. Thế là tôi đi.
Em Luyến sướng lắm, chân bước cứ líu ríu, líu ríu. Tôi đi sau, bấm đèn cho em. Mùi hoa ngọc lan giắt trong mái tóc em toả ra thơm nồng. Vừa ra khỏi đám đông, tôi đã nghe tiếng gọi giật giọng: “Anh Sướng”. Thì ra là thằng Cương. Nó đang tụ tập cùng đám trai bản trên rệ cỏ bên đường. Vận chiếc áo cộc tay loè loẹt chim cò, sơ-vin quần đen, tóc chẻ ngôi giữa bồng bềnh, trông nó ga-lăng như một tay chơi sành điệu. Nó hỏi: “Anh đi chơi với con Luyến à?”. Tôi bảo: “ừ”. Nó gàn: “Anh đừng đi chơi với con ấy. Nó lắm mồm lắm. Anh mà đi, sáng mai, nó chạy khắp cả bản khoe đấy. Người ta cười cho”. Tôi ghé tai nó thì thầm: “Nhưng mà tối nay anh muốn cạy cửa nhà nó”. Cương trừng mắt: “Em cấm anh đấy. ở bản Dù này không có tục lệ ấy đâu. Anh mà mò vào, bố nó ghè cho vỡ đầu là chết. Nếu anh muốn cạy cửa, tối mai em đưa anh xuống bản Cỏi. ở đấy, ngủ thăm vô tư. Toàn gái Dao trắng nõn trắng nường. Tuần nào bọn em chẳng mò xuống đấy đôi ba lần. Nhưng muốn thế, tối nay, anh phải học cách thức, lề lối cái đã”. Tôi nhớ đến bài phóng sự điều tra về phong tục “cạy cửa ngủ thăm” đã đăng ký với “sếp” mấy tuần trước. Lòng tự nhủ, bằng mọi cách phải thâm nhập cho bằng được cái tục lệ lạ lẫm này. Nếu không, mấy ngày trèo đèo lội suối, ăn gió nằm sương ở cái bản heo hút này công toi à? Thế là, mặc cho em Luyến hờn hờn tủi tủi bỏ chạy trong đêm, tôi, chàng trai Hà thành 30 tuổi đồng ý ở lại với thằng Cương để làm kẻ học trò học nghệ thuật “cạy cửa” trái tim sơn nữ. Ôi! Em Luyến của tôi.
Ngồi xuống bãi cỏ trong ánh trăng thanh rười rượi, tôi nhanh chóng làm quen với đám bạn “cùng hội cùng thuyền” của Cương. Thằng Quý, 18 tuổi, bé nhất hội, miệng nói, mắt cười, nói chuyện dí dủm rất duyên. Thằng Hạ, 20 tuổi, tóc xoăn, đẹp như tài tử
tử xi – nê, tấn công em nào là em ấy chết mê chết mệt như bị bỏ bùa mê ngải lú. Thằng Phong, thằng Điệp, đang học lớp 10 trường huyện thì bỏ dở vì mải mê cạy cửa ngủ thăm hơn là gõ cửa tri thức. Bọn chúng đều ở bản Dù. Tuy mỗi đứa một vẻ nhưng đứa nào cũng sành sỏi trong chuyện giăng hoa. Chả thế mà tôi vừa mở miệng hỏi về tục cạy cửa, bọn chúng đã nhao nhao cả lên. Thằng Cương cậy thế người nhà, “khai tâm” cho tôi trước. Nó giảng giải rất rành rọt: “Phong tục này chỉ có ở bản Cỏi của người Dao thôi. Còn có từ đời nảo đời nào thì em cũng chả biết. Bố em kể, ngày xưa, lúc còn trai trẻ, đêm nào bố em cũng đi ngủ thăm. Ngày ấy, nhà người Dao còn làm bằng tre nứa nên cạy cửa rất dễ. Các cô gái đến tuổi cập kê, ngày lên nương lên rẫy, tối về thắp một ngọn đèn, giăng màn rồi lên giường nằm. Chàng trai nào muốn tìm hiểu cô gái ấy có thể đến ngủ thăm. Nếu đèn trong nhà còn sáng, nghĩa là, chưa có anh nào đến, chàng trai phải tự cạy cửa vào, nằm xuống bên cạnh cô gái. Cô gái sẽ tắt hoặc vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người chỉ chuyện trò tâm sự mà không được chạm vào người nhau. Sau vài đêm như thế, nếu ưng bụng, cô gái sẽ quyết định cho chàng trai “ngủ thật”. Tất nhiên, cả hai đều phải thưa với bố mẹ trước để xem có hợp duyên, hợp số không đã. Khi thời gian ngủ thật bắt đầu cũng là lúc chàng trai phải đến làm công không cho gia đình cô gái. Ngày đi làm, tối về ngủ cùng nhau. Qua một thời gian thử thách, nếu không còn yêu chàng trai nữa, cô gái sẽ gói quần áo cùng với một nắm cơm cho vào địu rồi bảo: “Anh cứ về thôi” hoặc “Đêm qua em nằm mơ thấy ác mộng”, như thế có nghĩa là cô gái đã từ chối”. Ngừng lời, rít một hơi thuốc đến tóp má, ngửa mặt lên trời lim dim nhả khói, Cương khành khạch cười: “Tất nhiên, thời đại ngày nay, tục lệ này đã khác xưa rất nhiều. Ví như nhà người Dao bây giờ toàn làm bằng gỗ nên việc thám thính, cạy cửa cần phải hết sức khéo léo. Muốn mở được cửa, anh phải dùng hai tay, nhấc cánh cửa lên rồi du nhẹ vào trong. Then cài sẽ tự động rơi xuống. Sau đó, anh phải làm như thế…, như thế… Anh hiểu chưa?”. Thằng Cương ghé sát tai tôi thì thào, tỏ vẻ rất quan trọng. Tôi gật gật đầu rồi giả bộ ngây ngô hỏi: “Thế lúc tán tỉnh được cô gái rồi thì sẽ làm gì?” Cả hội cười ồ lên. Thằng Quý nhanh nhảu, dịch sát bên tôi, cười ngặt cười nghẽo: “ối anh Sướng ơi! Trai Hà Nội gì mà gà mờ thế. Anh phải nắm tay, phải ve vuốt chứ còn làm gì nữa. Như thế này này”. Nó cầm cánh tay tôi lên, bàn tay xương xẩu của nó mơn trớn, ve vuốt từ cổ tay tôi lên đến bả vai, vòng lên cổ rồi lần xuống ngực. Vừa làm, nó vừa nhấn giọng: “Thế. Thế. Anh hiểu chưa? Rồi thì… Hí… Hí… Kéo cưa lừa xẻ với nhau… Hấc… Hấc… Hấc…”. Quý buông tôi ra, ngã vật xuống bãi cỏ, ôm bụng cười sằng sặc.
10 giờ đêm hôm ấy, khi dân bản bắt đầu lục tục bỏ về vì không còn kiên nhẫn chờ đợi sửa được máy nổ nữa thì tôi cũng vừa hoàn thành xong “khoá học cấp tốc” về “nghệ thuật cạy cửa ngủ thăm”. Kẻ học trò là tôi muốn chiêu đãi những “người thầy” cạy cửa sành sỏi một chầu bia tuý luý nhưng ở Xuân Sơn, tịnh không có lấy một hàng quán nào. Đành chia tay nhau với lời hẹn tối mai vượt suối, băng rừng xuống bản Cỏi cạy cửa nhà sơn nữ để “ngủ thăm”.
Kỳ II: Hai lần cạy cửa, hai lần… dở dang
Chiều hôm sau, thầy mo Đặng Văn Hếng sai hai cậu quý tử là Cương và Thuỷ làm thịt con gà sống thiến để làm lễ cầu may cho tôi. Ông Hếng vốn là người Kinh, quê ở Vĩnh Phúc. Hồi nhỏ, vì gia cảnh túng bấn, cha mẹ đ4 bán cho một gia đình người Mán không con ở vùng núi vời vợi cao này. Ngót 60 năm lăn lóc sống, ông đã trở thành người Mán lúc nào không hay. Những nghi lễ cúng khấn của người Mường, người Mán, ông làm rất thuần thục. ở bản Dù này, ai cũng vị nể ông.
Khoảng 5 giờ chiều, trời bỗng nổi giông. Mây đen ùn ùn kéo tới. Sấm chớp đùng đoàng. Gió vặn cành cây răng rắc. Cái cột cờ trước trạm kiểm lâm xóm Dù to như bắp chân sơn nữ, thế mà gió quật đổ kềnh. Mưa như trút nước. Ngồi uống rượu cao khỉ với thầy mo Hếng mà tôi cứ nhấp nhổm không yên. “Không khéo thì trời hại ta đêm nay”. Tôi thầm nghĩ. Ông Hếng đưa bàn tay sần sạn lên bấm đốt rồi tủm tỉm: “Chú cứ việc khướt khượt với lão. Rượu này chúa lắm đấy. Đảm bảo với chú, chỉ đến đầu giờ Tuất là trời quang mây tạnh thôi mà”. Tôi bán tin bán nghi. Thế mà đúng 8 giờ, mưa nhẹ hạt dần rồi tạnh hẳn. Gió hây hây thổi. Trời xanh trong. Vầng trăng mười ba đã lấp ló rặng núi xa xa. Ông Hếng thánh thật!
Thằng Thuỷ buồn ra mặt. Thấy tôi đi cạy cửa với Cương, nó hậm hực thì phải. Nó hù doạ: “Anh đừng đi ngủ thăm với thằng Cương. Đường xa xôi cách trở lắm. Đêm, anh không về được đâu”. Tôi cười thầm trong bụng. Đến giờ này, ai có thể ngăn cản được tôi đây?! Tiễn tôi và Cương ra ngoài sân, ông Hếng cứ hì hì cười, vỗ vỗ vai tôi động viên: “Cố gắng! Cố gắng!”. Thằng Sơn, con út của ông Hếng, người choắt như con cá mắm, choàng tay ôm cổ tôi hôn chụt chụt rồi cười hi hi: “Chúc anh Sướng ngủ thăm thành công”. Chúng tôi mướt mải đi, đến cái ao nước nhỏ cuối bản thì gặp hội thằng Quý đứng chờ. Thế là cả bọn khoác vai nhau lên đường.
Con đường độc đạo dẫn đến bản Cỏi phải xuống một con dốc dài hun hút chừng 5 km và vượt qua 3 con suối sâu. ánh trăng không đủ xuyên quá những tán lá rừng dày kên nhưng cũng đủ để thấy sương giăng ngập lối. Hàng triệu con đom đóm rừng to như bóng đèn quả nhót đậu hai bên đường cứ lập loè sáng khiến cảnh sắc thơ mộng như lạc vào cõi tiên. Tiếng khỉ về cãi nhau chí choé bên góc núi. Tiếng nai tác dớn dác hoà vào tiếng suối chảy róc rách khi gần khi xa. Thằng Quý hứng chí ngửa cổ chơi bài “Suối mơ” của nhạc sĩ Văn Cao. Giọng nó trong, luyến láy nghe khá mượt. Cương “nóng gáy” chơi ngay một liên khúc Tuấn Vũ toàn lời yêu đương mùi mẫn. Hát chán, chúng nó bắt đầu tỉ tê chuyện tình trường của mình. Cương ưỡn ngực tự hào bảo: “Em là thằng đi ngủ thăm sớm nhất trong hội này. 13 tuổi, em đã tán được một cô sinh năm 1976. Buồn cười, lúc lên giường nằm, người em cứ run bần bật, không dám tí toáy gì. Chờ mãi không thấy động tĩnh, cô ấy nhoài tay sang người em, hỏi: Anh làm sao thế? Em lại càng run. Nửa đêm phải bỏ chạy. Nhưng mà bây giờ thì…” Cương bỏ lửng câu chuyện, cười khùng khục. Tôi chợt ngộ ra một điều: Đám trai bản ở đây đi ngủ thăm sớm thế, thảo nào đứa nào cũng còi dí còi dị. Đứng chỉ đến vai tôi.
Đang đi, thằng Quý lia ánh đèn pin vào một gốc cây cổ thụ bên đường, bảo: “Chính tại gốc cây này, em với con Hoa đã ngắt lá lót ổ nằm chung. Nửa đêm, mưa to, hai đứa ướt như chuột lột. Em phải cởi áo choàng lên người cô ấy cho đỡ lạnh rồi ngồi ôm nhau chờ trời sáng. Anh thấy có lãng mạn không?” Tôi trợn mắt hỏi: “Thật thế a?”. Thằng Hạ nhếch miệng cười khan: “Chuyện ấy bây giờ là “phình phường”, có gì mà anh phải ngạc nhiên. Ngày xưa ý, người Dao Tiền (gọi là Dao Tiền vì trang phục của họ bao giờ cũng có 7 đồng bạc trắng đeo ở sau gáy) nơi đây có quan niệm rằng: con trai con gái trong bản không được ăn nằm với nhau ngoài rừng. Nếu bắt được cặp nào làm việc “bậy bạ” ấy thì sẽ bị làng phạt vạ. Lễ cúng tạ thần linh phải có tới 6 thầy luân phiên nhau, một con lợn béo đủ cho cả bản đánh chén. Tuy nhiên, bây giờ, tục ấy đã khác đi nhiều. Anh tính, giường bố mẹ, anh chị em kê kè kè bên cạnh, làm sao đủ tự nhiên cho các cặp tình nhân “tự tình”. Thế là họ rủ nhau ra bờ suối làm “việc ấy” rồi về nhà cô gái… ngủ. Đó cũng là ngủ thăm”.
Mất chừng gần 2 tiếng đi bộ, chúng tôi đã đặt chân đến con suối đầu bản. Bản Cỏi nằm lọt thỏm trong thung lũng, bốn bề là núi dựng đứng có con suối vắt ngược qua. Nơi đây quanh năm mây phủ, khí hậu mát lành. Chả trách con gái bản Cỏi đẹp thế. Da cô nào cũng trắng nõn trắng nà. Một góc bản Cỏi giáp xã Đồng Nghê của huyện Đà Bắc (Hoà Bình); một góc giáp huyện Phù Yên của Sơn La. Cả bản có 66 hộ. Thế mà phong tục tập quán từ ngàn đời nay vẫn được gìn giữ vẹn nguyên không chút cùn mòn. Tài thật!
Vừa đặt chân lên cây cầu gỗ bắc qua suối la đà khói sương, tôi bỗng giật nảy mình. Hơn chục ánh đèn pin từ phiến đá to đầu bản rọi thẳng mặt chúng tôi. “Máu chảy đầu rơi đến nơi rồi”. Tôi trộm nghĩ. Thì ở toàn cõi Việt Nam này, bản làng nào con gái chẳng bị đám trai làn